Thứ Hai, tháng 1 19, 2009

Đề xuất dựng mốc Km 0 của Việt Nam tại Hồ Gươm

Nguồn: http://www.vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2009/01/3BA0A5A2/


Giáo sư Hà Đình Đức. Ảnh: Nguyễn Hưng.

Giáo sư Hà Đình Đức, người có thâm niên hàng chục năm nghiên cứu văn hóa Hà Nội vừa có tờ trình gửi Chủ tịch UBND Hà Nội về việc dựng tháp Hà Nội - Km 0 ngay tại Hồ Gươm.

Trong tờ trình gửi Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, giáo sư Hà Đình Đức nêu rõ vai trò của không gian văn hóa Hồ Gươm trong tiến trình văn hóa 1.000 Thăng Long - Hà Nội. Từ đây, các con đường tỏa đi mọi miền của Tổ quốc.

Theo giáo sư Đức, dựng Km 0 là việc rất có ý nghĩa, nhiều nước trên thế giới đã dựng mốc này. "Mọi con đường ở Hà Nội đều lấy mốc từ Hồ Gươm, nhưng lại chưa cụ thể ở vị trí nào. Nếu có một địa điểm đích xác, cột mốc sẽ ghi dấu ấn sâu đậm cho du khách về văn hóa, lịch sử Việt Nam khi đến thăm Hà Nội, thăm Hồ Gươm", giáo sư Đức nói.

Để minh họa cho ý tưởng của mình, giáo sư Đức đã phác thảo mô hình, địa điểm đặt Tháp Hà Nội - Km 0. Theo đó, vị trí cột mốc này nằm tại góc bờ Hồ đối diện Trung tâm thương mại Tràng Tiền (ngã tư Hàng Khay - Đinh Tiên Hoàng). Tháp hình trụ, diện tích 4-6 m2, cao khoảng 3 mét, làm bằng vật liệu đá quý trong nước. Trên tháp có logo kỷ niệm và hai dòng chữ Thăng Long - Hà Nội 1010 - 2010 và Hà Nội - Km 0.

"Tính cả phần diện tích bao quanh cũng chưa tới 20 m2 nên tôi nghĩ việc dựng cột mốc này khá đơn giản. Nếu được phê duyệt thì nên tổ chức một cuộc thi thiết kế chọn mẫu đẹp nhất để dựng", giáo sư Đức đề xuất.

Cũng theo giáo sư, khi trao đổi ý tưởng này mọi người, ông đã nhận được sự đồng tình từ phía những nhà khoa học, nhà văn hóa lớn ở Hà Nội như giáo sư Vũ Khiêu, giáo sư Phan Huy Lê...


Theo giáo sư Hà Đình Đức, một cột mốc số 0 cụ thể ở Hồ Gươm sẽ tạo điểm nhấn cần thiết cho "trái tim của thủ đô". Ảnh: Nguyễn Hưng.

Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1.000 Thăng Long cho biết, thành phố đã tiếp nhận đề xuất của giáo sư Hà Đình Đức và giao cho Ban chỉ đạo xém xét, giải quyết. "Chúng tôi luôn hoan nghênh những ý tưởng góp phần làm đẹp hình ảnh thủ đô", ông Cường nói.

Tuy nhiên, theo ông Cường, cụ thể hóa ý tưởng thành thực tế phải cẩn trọng vì bất cứ sự đụng chạm nào vào không gian Hồ Gươm cần được nghiên cứu kỹ. Ban chỉ đạo sẽ bàn bạc cùng các sở, ngành liên quan như Sở Văn hóa Thể thao Du lịch, Sở Quy hoạch Kiến trúc… để có phương án cụ thể.

"Thời điểm hiện tại đã cận Tết Nguyên đán nên chúng tôi dự tính ra Tết sẽ tổ chức họp bàn với các bên liên quan, nghe giáo sư Đức trình bày cụ thể ý tưởng của mình", ông Cường nói.

Giáo sư Hà Đình Đức là nhà khoa học có thâm niên nghiên cứu về văn hóa, lịch sử Hà Nội. Từng giảng dạy hơn 40 năm tại khoa Sinh (ĐH Khoa học tự nhiên - ĐHQG Hà Nội), tham gia nhiều hoạt động và có hàng loạt công trình khoa học nhưng Hồ Gươm vẫn là đề tài luôn cuốn hút ông. Ở Việt Nam, ông cũng là người có thời gian theo dõi, nghiên cứu lâu nhất về cụ Rùa Hồ Gươm, bắt đầu từ năm 1991.

Nguyễn Hưng

Thứ Ba, tháng 12 30, 2008

Rùa Hồ Gươm có nguy cơ tuyệt chủng


Đốm trắng nhận dạng trên đầu rùa hồ Gươm.

Nguồn: http://vietbao.vn/Khoa-hoc/Rua-Ho-Guom-co-nguy-co-tuyet-chung/10769211/188/
Thứ tư, 08 Tháng năm 2002, 09:14 GMT+7



"Hiện trong hồ chỉ còn một con duy nhất, lại đã quá già và không xác định được là đực hay cái. Trong khi đó, khả năng tìm được con cùng loài để giao phối là gần như vô vọng". Phó giáo sư Hà Đình Đức, người đã 12 năm nghiên cứu về rùa hồ Gươm, than phiền với phóng viên VnExpress.


- Thưa ông, căn cứ vào đâu để khẳng định rùa hồ Gươm chỉ còn một con?

- Tôi đã theo dõi và thống kê hiện tượng rùa nổi ở Hồ Gươm từ năm 1991 đến nay. Qua quan sát bằng ống nhòm, chụp hàng trăm bức ảnh và ghi hình thì chỉ thấy duy nhất một "cụ" rùa to chừng 200 kg, dài gần 2 m, có đốm trắng tròn rộng khoảng 3 cm trên đỉnh đầu, hơi lệch về bên trái. Khi bơi, đầu rùa cũng hơi nghiêng về bên trái. Từ đó, tôi khẳng định ở hồ Gươm hiện nay chỉ còn một "cụ" rùa, và đặt tên cho loài là Rafetus leloii, công bố trên tạp chí Khảo cổ học số 4/2000.

- Có những đặc điểm gì riêng biệt để có thể coi rùa hồ Gươm là một loài mới?


- Đây là loài rùa lớn mai mềm thuộc họ ba ba (Trionychidae). Sách Đỏ Việt Nam năm 1992 viết rùa hồ Gươm thuộc loài giải (Pelochelys bibroni). Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của chúng tôi những năm 1993-1994 cho thấy đây không phải là loài giải.

Tiến sĩ Peter Pritchard, Chủ tịch Hội Bảo vệ rùa Quốc tế, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu rùa Florida (Mỹ), cũng khẳng định: "Chắc chắn rùa hồ Gươm không phải loài giải. Chúng có thể là chủng quần xa của loài rùa Thượng Hải (Rafetus swinhoei) hay loài mới". Trên cơ sở các tài liệu về loài rùa Thượng Hải, so sánh với rùa hồ Gươm thì thấy có nhiều điểm khác biệt về hình thái, xương sọ và tấm sống (*).

- Nếu đúng rùa hồ Gươm là loài mới, lại chỉ còn một con trong hồ, vậy nguy cơ tuyệt chủng là rất lớn. Làm cách nào để duy trì nòi giống của loài?

- Theo giả thuyết của tôi, rùa hồ Gươm đã được vua Lê đem từ Lam Kinh (Thanh Hóa) về thả. Bằng chứng là tại nhiều nơi quanh vùng Lam Kinh, người dân từng bắt được những con rùa lớn (có con nặng tới 150 kg), và hiện nay ở huyện Thọ Xuân, thỉnh thoảng vẫn bắt gặp trứng “ba ba”. Nếu đúng như vậy thì có thể tìm bắt rùa ở Lam Kinh về nuôi tại Hồ Gươm để giao phối với con hiện nay. Tuy nhiên, có một khó khăn rất lớn là rùa hồ Gươm đã quá già, lại không xác định được giới tính.

Mặt khác, chúng tôi không được tạo điều kiện để nghiên cứu loài rùa này. Chẳng hạn như không được mở tủ kính để đo tiêu bản rùa trưng bày ở đền Ngọc Sơn, và thợ lặn cũng không được xuống hồ để quay phim chụp ảnh. Cho nên chúng tôi phải tiếp cận rùa hồ Gươm theo kiểu “kính nhi viễn chi”.

- Gần đây rùa nổi nhiều, vì sao vậy?

- Hiện nay, hầu như tất cả các nguồn nước thải xung quanh đều được ngăn chặn không đổ trực tiếp vào hồ, chỉ còn nước thải từ một số nhà vệ sinh công cộng bên đường Đinh Tiên Hoàng và ở đền Ngọc Sơn. Sắp tới, khu vực đền Ngọc Sơn sẽ được cải tạo thu gom nước thải và bơm vào hệ thống thoát nước của thành phố. Kết quả phân tích mới nhất vào tháng 11/2001 cho thấy, nước hồ chỉ ô nhiễm nhẹ, đáp ứng tiêu chuẩn loại B, TCVN 5942 - 1995. Nói chung, nước vẫn đảm bảo cuộc sống bình thường của rùa.

Rùa hồ Gươm là loài ở nước ngọt mai mềm, có bộ phận hô hấp phụ nên có khả năng trao đổi ôxy trong nước, thậm chí có thể vùi mình trong bùn. Khi nồng độ ôxy trong nước thấp, bộ phận hô hấp phụ không đảm bảo đủ nhu cầu ôxy thì rùa phải ngoi lên thở bằng phổi. Hiện tượng này không diễn ra thường xuyên mà chỉ nhất thời, có khi một vài giờ hoặc cả ngày.

Cũng có hiện tượng không thể lý giải được, đó là rùa nổi trong một số dịp sửa chữa hay khánh thành các công trình có liên quan đến khu tưởng niệm vua Lê ở cạnh hồ Gươm. Ví dụ ngày bàn giao mặt bằng Khu Di tích tưởng niệm vua Lê 26/8/1999, rùa lên lúc 10h30" đến 12h30"; ngày sửa đầu đao trên nóc Tháp Rùa 23/8/2000. Gần đây nhất là ngày khánh thành khu tưởng niệm vua Lê bên hồ Gươm (27/9/2000), rùa lên nằm gối đầu vào kè đá dưới đám rễ si bên chân đảo Ngọc từ 8h20" đến 10h20", trước sự chứng kiến của nhiều quan chức Hà Nội.

- Có những nguy cơ nào đang đe dọa rùa hồ Gươm?

- Đó là những cọc tre cắm giữ đài phun nước, cọc bê tông kè quanh chân đảo Ngọc, hoặc dây nylon buộc vào các tảng đá lớn để giữ bóng bay mỗi dịp lễ tết. Ngày 10/12/1996, con rùa bị xây xát, chảy máu trên lưng và chân trái. Ngày 24/3/1998, Đài Truyền hình Trung ương ghi được hình ảnh rùa bị thương, ở bên phải cổ sưng tấy, màu đỏ hồng, trông như có vết cứa chéo. Các trường hợp rùa bị thương có thể là do chướng ngại trong hồ, hoặc bị móc lưỡi câu chùm của kẻ câu trộm.


Hình ảnh rùa bị thương ở bên phải cổ. Ảnh chụp ngày 24/3/1998.

- Theo ông, cần có biện pháp gì để bảo vệ “cổ vật sống” này?

- Rùa Hồ Gươm là báu vật sống duy nhất của nước ta, là chứng nhân sống duy nhất của thời kỳ Lê Lợi chống giặc ngoại xâm, là linh hồn của hồ Gươm. Vì vậy, UBND thành phố Hà Nội cần giao hẳn trách nhiệm bảo vệ rùa hồ Gươm cho Đội bảo vệ trật tự an ninh khu vực hồ Gươm; đưa tên loài này vào Sách Đỏ Việt Nam. Đồng thời, cần dọn dẹp tất cả những chướng ngại trong lòng hồ và thành lập trạm quan trắc thường xuyên theo dõi sự hoạt động của rùa và sự biến động môi trường hồ. Đặc biệt, cần tiến hành khảo sát ở các địa phương có loài rùa mai mềm lớn cùng loài với rùa hồ Gươm, làm nguồn dự trữ khi cần thiết bổ sung.

Nếu không làm ngay những việc trên, sẽ là quá muộn khi "cụ" rùa duy nhất ra đi và cái giá phải trả là không thể tính được.


Đá và cọc tre còn sót lại sau khi kè hồ có thể làm rùa bị thương.


(*) Bảng so sánh hai loài rùa Thượng Hải và rùa hồ Gươm

Hãy cứu lấy rùa hồ Gươm

Nguồn:http://vietbao.vn/Trang-ban-doc/Hay-cuu-lay-rua-ho-Guom/10781678/478/
Thứ bảy, 03 Tháng tám 2002, 15:42 GMT+7


Tôi sẽ cảm thấy rất buồn và đau lòng nếu một ngày nào đó không còn ông rùa già ở hồ Gươm nữa. Điều mà tôi bức xúc là tại sao phó giáo sư Hà Đình Đức không được phép đi xa hơn trong việc nghiên cứu để bảo tồn loài rùa quý hiếm ở hồ Gươm?


From: "Chuyen Le"
To: <>
Sent: Saturday, August 03, 2002 10:20 AM
Subject: Xin Hay Cuu Rua Ho Guom

Xin chào TS!

Sau khi đọc xong bài " Rùa hồ Gươm có nguy cơ tuyệt chủng ", tôi muốn nói đôi lời mong TS chuyển lời này tới những ban ngành có trách nhiệm với việc rùa hồ Gươm. Tuy tôi không biết nhiều về lịch sử của rùa hồ Gươm nhưng được biết là rùa đã sống qua rất nhiều năm và được coi là linh hồn của hồ Gươm, một linh hồn của đất Việt. Tôi sẽ cảm thấy rất buồn và đau lòng nếu một ngày nào đó không còn ông rùa già ở hồ Gươm nữa.

Xin đừng đánh mất một bảo vật quý giá ngay trước mắt mình và một ngày nào đó nhìn ông rùa già ra đi mà chỉ biết nhìn và luyến tiếc. Xin hãy làm điều gì đó trước khi quá trễ.

Cám ơn TS và mong những lời này sẽ đến những người có trách nhiệm và qua tâm hơn.

Chuyen Le
Việt Báo (Theo_VnExpress.net)

Năm 2002: Rùa hồ Gươm nổi lâu nhất từ trước đến nay

Nguồn: http://vietbao.vn/Xa-hoi/Rua-ho-Guom-noi-lau-nhat-tu-truoc-den-nay/10781552/157/
Thứ bảy, 03 Tháng tám 2002, 06:41 GMT+7



Theo quy luật, phải đến tháng 11-12, rùa mới nổi liên tục.

Từ 6h30" đến 10h30" sáng qua, cụ rùa duy nhất tại hồ Gươm lại nổi chỉ cách bờ 5-6 m. Cứ sau vài giây ngóc đầu lên mặt nước, khoe cái đốm trắng , cụ lại lặn sâu, để lại những đám sủi tăm. Rất nhiều người dân Hà Nội đã tò mò đứng xem.

Theo Phó giáo sư Hà Đình Đức, chuyên gia nghiên cứu về rùa hồ Gươm, từ đầu năm tới nay, rùa đã nổi 14 lần vào ban ngày và đây là lần lâu nhất. Trước kia, rùa thường nổi ở 3 vị trí: trước tượng đài vua Lê phía đường Lê Thái Tổ, góc đường Hàng Khay - Đinh Tiên Hoàng và trước tháp Hòa Phong (đối diện với Bưu điện Hà Nội). Nhưng hôm nay, cụ lại rong chơi ở phía bắc đền Ngọc Sơn, gần bãi đỗ xe. Nơi đây, mực nước rất nông, chỉ hơn 1 m. Khi rùa cúi đầu, chân sau đạp nước làm quấy đục cả bùn, túi nylon cùng váng dầu.

Ông Đức cho rằng, rùa nổi là do mấy hôm nay Hà Nội mưa nhiều, nước trong hồ được thay một phần và trở nên mát mẻ nên cụ muốn đi du lịch một chút, chứ hoàn toàn không phải do nước bị ô nhiễm, thiếu ô xy. Năm nay, rùa nổi khá nhiều lần (năm 2000: 14 lần, năm 2001: 8 lần). Cũng theo ông Đức, thời gian sắp tới, đặc biệt là vào tháng 11-12, rùa có thể nổi liên tục.

Như Trang
Việt Báo (Theo_VnExpress.net)

Đầu năm 2007: “Cụ” rùa lại nổi lên mặt Hồ Gươm

Nguồn: http://vietbao.vn/Xa-hoi/Dau-nam-2007-Cu-rua-lai-noi-len-mat-Ho-Guom/65078742/157/
Thứ tư, 03 Tháng một 2007, 11:01 GMT+7



“Cụ” rùa trong lần nổi lên mặt nước Hồ Gươm chiều 2/1.

Khoảng 13 giờ chiều qua 2/1, “cụ” rùa Hồ Gươm đã bất ngờ nổi lên mặt nước, ngay đoạn ngã ba Lê Thái Tổ - Hàng Trống, cách bờ khoảng 3 - 4 mét. Du khách đã vây quanh bờ hồ, nơi rùa nổi để tận mắt chứng kiến hình ảnh mới của “cụ” trong những ngày đầu năm.

Theo Phó Giáo sư Hà Đình Đức (Đại học Quốc gia Hà Nội), chuyên gia nghiên cứu rùa Hồ Gươm, đây là “cụ” rùa duy nhất còn lại trong hồ. Trước đó đã có hai “cụ” rùa chết, tiêu bản xác của một “cụ” đang được trưng bày ở đền Ngọc Sơn và một “cụ” khác được giữ trong kho của Bảo tàng Hà Nội.

Cũng theo Phó Giáo sư Đức, mỗi lần “cụ” rùa Hồ Gươm nổi đều trùng hợp với một sự kiện đặc biệt nào đó.

(theo NLĐ)
Việt Báo (Theo_VnMedia)

Bí ẩn Rùa Hồ Gươm và thế giới của giao tiếp sinh học

Nguồn: http://vietbao.vn/Khoa-hoc/Bi-an-Rua-Ho-Guom-va-the-gioi-cua-giao-tiep-sinh-hoc/70035829/188/
Thứ năm, 05 Tháng một 2006, 09:49 GMT+7



Cụ Rùa nổi và lên nằm gối đầu vào kè đá dưới đám rễ si bên chân Đảo Ngọc (ảnh 1) suốt từ 8h20 đến 10h20 hôm lễ khánh thành khu tưởng niệm Vua Lê

Một số lần Cụ Rùa nổi lên trùng với sự kiện đặc biệt

- Ngày 26/12/1991, PGS Hà Đình Đức được Truyền hình Hà Nội ghi hình bài nói về Bảo vệ Rùa Hồ Gươm. Đúng hôm đó, Cụ Rùa nổi và bài phát biểu phát tối hôm đó của PGS Đức có kèm cảnh quay Cụ Rùa nổi một cách sống động.


- Ngày 10/3/1992, Sở Giao thông Công chính Hà Nội tổ chức họp bàn phê duyệt Phương án Nạo vét Hồ Gươm tại 14 Phan Đình Phùng. Đúng sáng sớm hôm đó, Cụ Rùa nổi và lãnh đạo Sở cho người ra chụp mang về cho các đại biểu xem bức ảnh “tươi nguyên”.

- 9h00 sáng 27/9/2000, UBND TP Hà Nội tổ chức lễ khánh thành khu tưởng niệm Vua Lê bên Hồ Gươm. Cụ Rùa nổi và lên nằm gối đầu vào kè đá dưới đám rễ si bên chân Đảo Ngọc suốt từ 8h20 đến 10h20 trước sự chứng kiến của nhiều quan chức Hà Nội.

- Ngày 20/12/2005, Đại hội Đảng bộ Hà Nội lần thứ XIV họp trù bị. Sáng hôm đó, Cụ Rùa cũng nổi lên (ảnh 2).




Ngày 20/12/2005, Đại hội Đảng bộ Hà Nội lần thứ XIV họp trù bị. Sáng hôm đó, Cụ Rùa cũng nổi lên

Chẳng phải đợi đến tổng kết thú vị về hiện tượng Rùa Hồ Gươm “ngẩng đầu ngắm trời xanh” của nhà rùa học Hà Đình Đức, các nhà sinh học Việt Nam mới tụ về Hà Nội bàn về một khoa học nhằm hóa giải những bí ẩn về Cụ Rùa.

“Khám phá giao tiếp sinh học của các loài vật phục vụ trực tiếp con người trên rất nhiều lĩnh vực” - GS.TSKH Lê Xuân Tú, Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam, nói.

Ai cũng biết nhưng, khi xem PGS Hà Đình Đức chọn và sắp xếp 37 trong tổng số hơn 200 lần Cụ Rùa Hồ Gươm nổi lên kể từ năm 1991, ai cũng ngớ ra bởi nó lại trùng hợp một cách ngẫu nhiên với 37 sự kiện liên quan đến hoặc bản thân Cụ hoặc của Thủ đô.

Tại hội thảo lần đầu tiên ở Việt Nam về Giao tiếp Sinh học ngày 30/12/2005, chuyên gia về Rùa Hồ Gươm nhận định, bất cứ lớp động vật nào tồn tại được là nhờ ngôn ngữ giao tiếp và chúng ta còn biết rất ít.

Những ngày Cụ Rùa nổi lên mặt nước xanh ngắt trùng với các sự kiện đáng chú ý ở Hà Nội, thời tiết, khí hậu đều không có gì bất thường. Điều gì khiến Cụ “ẩn mình” và nổi lên mặt nước?

Ngày 20/12/2005, hôm trù bị Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XIV, Cụ Rùa nổi. Ngày tổ chức hội thảo nạo vét Hồ Gươm, 10/3/1992, Cụ nổi, thậm chí Cụ còn nổi lên vào ngày bắt đầu hoặc kết thúc chuyến thăm của một số nguyên thủ các quốc gia có quan hệ đặc biệt với Việt Nam...

“Phải có sự giao tiếp nào đó, sự truyền phát và thu nhận thông tin nào đó, Cụ Rùa mới xuất hiện vào đúng những ngày đặc biệt như thế”- PGS. TS Đức nêu ý kiến.

Giao tiếp sinh học – Bí ẩn


Những cây đại thụ sinh học cười phá lên sau khi khép lại phần tổng kết “cho vui” về Rùa Hồ Gươm. Nhưng sau đó là hàng loạt chuyện thú vị về giao tiếp sinh học giữa các loài sinh vật khác mà chưa ai chưa giải mã được.

Một trong những bí ẩn thú vị là chuyện hôn nhân và chăm sóc con cái ở chim cánh cụt. GS Võ Quý, Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên&Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội, kể, để tìm bạn đời, chim trống cắp một hòn sỏi. Hòn sỏi được “thổi hồn” gì để lôi cuốn chim mái? Chim mái vươn mỏ thẳng lên trời và “hút hồn” từ hòn sỏi ở mỏ chim trống.

Giao hoan xong, chim mái ra biển kiếm ăn hàng tháng trời. Về bờ, nó tìm đúng con chim trống có nhiệm vụ ấp quả trứng do con mái đẻ để nhận con. Chim con sinh ra hoà cùng hàng ngàn con của các cặp khác. Thế mà cha và mẹ vẫn tìm đúng con mình để chăm bẵm. Các nhà khoa học cho rằng, để đạt mức độ chính xác sinh học tuyệt vời ấy, chúng phải có ngôn ngữ giao tiếp tinh tế mà, với kiến thức hiện tại, loài người chưa thể biết.

Phục vụ chính con người

Giao tiếp sinh học hóa ra phục vụ đắc lực cho con người. Các nhà nông học thừa nhận chưa hiểu vì sao cây lúa khi vào kỳ con gái lại hấp dẫn sâu đục thân và, đến khi làm đòng, ngậm sữa, lại thu hút bọ xít dài. Ngôn ngữ sinh học mà chúng giao tiếp là gì? Giải mã được, coi như chúng ta tìm ra cách hữu hiệu để loại trừ chúng thay vì tốn hàng triệu tấn hóa chất mỗi năm gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.

Trong số 117 người trên thế giới mắc với 71 người tử vong do nhiễm virus cúm gà H5N1, đại đa số các ca lây nhiễm và tử vong đều không phải do trực tiếp tiếp xúc với gia cầm khỏe mạnh mà là với gia cầm chết hoặc các sản phẩm từ gia cầm bệnh. Hội nghị quốc tế về cúm gia cầm tổ chức ở Geneve, Thụy Sỹ, ngày 14-19/11/2005, do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức thừa nhận chưa hóa giải được bí ẩn này

Dưới ánh sáng của những phát hiện bước đầu về giao tiếp tế bào do TS Nguyễn Thị Quỳ, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, thực hiện, một nhà khoa học tạm thời lý giải thế này: Khi sống trong cơ thể gia cầm khỏe mạnh, virus H5N1 có thể hiền hơn. Thông tin mà chúng nhận được (dưới dạng nào đó) cho thấy môi trường sống của chúng vẫn an toàn, thức ăn của chúng là các tế bào khỏe mạnh của con gia cầm còn đầy ra đấy.

Hệt như cảnh những con hươu và ngựa vằn bình thản gặm cỏ bên đám hổ, sư tử ở các khu rừng Phi châu khi bụng các con thú ăn thịt kia đã ních đầy thức ăn.

Khi gia cầm chết hoặc tiết canh cắt ra khỏi gia cầm, virus H5N1 nhận được thông tin cảnh báo môi trường sống của chúng bị đe dọa. Chúng trở nên hung dữ hơn. Không may tiếp xúc với chúng vào thời khắc kinh hoàng ấy - gia cầm lúc giết mổ hoặc sản phẩm gia cầm bệnh chưa nấu chín, v.v..., phải chăng dễ bị lây nhiễm nhất. Loại thông tin gì quy định cơ chế giao tiếp sinh học của virus H5N1 những lúc ấy?

Nước ta có một số nhà khoa học âm thầm nghiên cứu môn khoa học vô cùng khó này và lĩnh ấn tiên phong có lẽ là GS Bùi Công Hiển ở tuổi thất thập.

Các nhà khoa học kiến nghị, đã đến lúc tổ chức nghiên cứu bài bản và đưa môn này vào nhà trường. Một khi Việt Nam muốn xây dựng nền kinh tế tri thức, kiến nghị kia hy vọng không bị chìm vào quên lãng. Giải mã được ngôn ngữ giao tiếp của Rùa Hồ Gươm, biết đâu chúng ta chẳng tìm ra khối bí ẩn khác không chỉ về Cụ.

Quốc Dũng
Việt Báo (Theo_Tien_Phong)

Thành công nhờ nắm được ngôn ngữ giao tiếp sinh học

Nhờ ngẫu nhiên nắm được ngôn ngữ giao tiếp sinh học, đôi khi con người làm được những việc mà chính họ cũng thấy bất ngờ như sử dụng âm thanh, ánh sáng ở tần số nhất định để dụ các đàn cá khổng lồ vào lưới. Có nơi thành công trong việc chấm dứt cảnh lợn từ các đàn khác nhau cắn xé nhau nhờ phun một thứ mùi “thân ái”. Cũng có người tìm được bước sóng siêu âm thích hợp khiến ngựa trong trường đua hoảng sợ và lồng lên chạy nhanh bất ngờ. Hoặc một nông dân Nhật Bản ngẫu nhiên thấy rượu vang của ông ngon hơn khi rượu được “nghe” nhạc cổ điển vào giai đoạn ủ men. Ngay ở Đà Lạt cũng có một người có thể gọi các đàn chim tụ tập về một chỗ cho du khách xem. Q. D

Thứ Hai, tháng 12 29, 2008

Cần chú ý đến vai trò của gia đình và dòng họ

Nguồn: http://vietbao.vn/Xa-hoi/Can-chu-y-den-vai-tro-cua-gia-dinh-va-dong-ho/70041381/157/
Thứ năm, 02 Tháng ba 2006, 18:35 GMT+7


Đóng góp phần phát triển văn hóa trong Dự thảo văn kiện Đại hội X của Đảng, PGS. Hà Đình Đức, ĐH Quốc gia Hà Nội, đã có một số ý kiến bổ sung, nhấn mạnh đến vai trò của gia đình và dòng họ trong đời sống văn hóa, xã hội Việt Nam.

Trong Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội X của Đảng về Văn hóa để trong mục IX “Phát triển văn hóa để thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội”, tôi thấy nên thêm từ “Bảo tồn và định hướng”. Như vậy sẽ thành: “Bảo tồn và định hướng phát triển văn hóa để thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội”. Như thế sẽ trọn vẹn hơn, bởi vì trước hết phải “bảo tồn” được những giá trị văn hóa vốn có, trên cơ sở đó mới “định hướng phát triển”.

Trong Dự thảo có viết: “Xây dựng và hoàn thiện giá trị con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế”. Theo tôi trong khoảng thời gian một nhiệm kỳ 5 năm và chắc chắn chưa thể “hoàn thiện giá trị con người Việt Nam…” mà chỉ nên “từng bước hoàn thiện…” bởi vì “giá trị con người” không phải là một phạm trù vật chất có thể cân đong đo đếm được.

Ngay cả khi chúng ta đã hoàn thành thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế thì may ra giá trị con người Việt Nam mới phù hợp với giai đoạn này chứ chưa hẳn đã hoàn thiện.

“Bồi dưỡng các giá trị văn hóa trong thanh niên, đặc biệt là lý tưởng sống, năng lực trí tuệ, đạo đức và bản lĩnh văn hóa con người Việt Nam” là việc làm hết sức cần thiết vì đây là chủ nhân tương lai của đất nước. Nhưng thiếu niên lại không thấy nhắc đến? Vì vậy nên thêm: “Bồi dưỡng các giá trị văn hóa trong thanh niên, thiếu niên…” hoặc “Bồi dưỡng các giá trị văn hóa trong thế hệ trẻ…”.

Trong dự thảo cũng có đoạn: “Một là, xây dựng môi trường, lối sống và đời sống văn hóa của mọi người dân ở cơ sở, thôn xóm, bản, làng, cộng đồng dân cư, cơ quan đơn vị, địa phương. Phát huy tinh thần tự nguyện, tính tự quản và năng lực làm chủ của nhân dân. Đa dạng hóa các phương thức hoạt động và tổ chức phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Theo tôi, trong phần này thiếu cụm từ “gia đình”.

Gia đình Việt Nam có đặc thù riêng rất đặc trưng cho văn hóa Việt Nam. Gia đình nền nếp, hòa thuận sẽ là tổ ấm, là chỗ dựa tin cậy của mỗi người. Con người ngoài đời sống xã hội còn có đời sống gia đình. Câu văn trên mới chỉ nói đến xây dựng môi trường, lối sống và đời sống văn hóa trong xã hội, thiếu phần xây dựng lối sống và đời sống văn hóa trong gia đình.

Chúng ta thường nói gia đình là tế bào của xã hội. Tế bào gia đình có lành mạnh thì cơ thể xã hội mới cường tráng. Vì vậy gia đình trong vấn đề này rất quan trọng.

Một ý nữa là “dòng họ”, là cộng đồng dân cư. Nhiều dòng họ có truyền thống văn hóa rất mẫu mực, con cháu các gia đình trong các dòng họ này luôn giữ được truyền thống văn hóa tốt đẹp của cha ông họ cũng là đóng góp hữu ích cho nền văn hóa chung của cả nước.

Theo tôi đoạn này nên sửa lại: “Một là, xây dựng môi trường, lối sống và đời sống văn hóa của mọi người dân từ các cộng đồng dân cư, gia đình, dòng họ ở cơ sở, thôn xóm, bản, làng đến cơ quan đơn vị, địa phương. Phát huy tinh thần tự nguyện, tính tự quản và năng lực làm chủ của nhân dân. Đa dạng hóa các phương thức hoạt động và tổ chức phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

PGS. Hà Đình Đức
Đại học Quốc gia Hà Nội
Việt Báo (Theo_Tien_Phong)

Một buổi chiều cùng “ông Đức rùa”

Nguồn: http://dantri.com.vn/Sukien/Mot-buoi-chieu-cung-ong-Duc-rua/2008/3/225293.vip
Thứ Bẩy, 29/03/2008 - 11:21 AM


PGS. TS Hà Đình Đức sinh năm 1940 tại Thanh Hoá. Tốt nghiệp khoa Sinh vật Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1963, chuyên ngành động vật học, ông được giữ lại trường làm giảng viên cho tới nay.


PGS. TS Hà Đình Đức giới thiệu với các nhà báo về sự tích rùa hồ Gươm, trong buổi Diễn đàn các nhà báo môi trường VN. (Ảnh: VVT)

(Dân trí) - “Ông Đức rùa”, “nhà rùa học”, “con trai của thần rùa”… là những tên gọi trìu mến mà các đồng nghiệp, học trò và những người mến mộ ưu ái dành cho PGS. TS Hà Đình Đức, sau hơn 17 năm ông dành tâm huyết nghiên cứu về rùa hồ Gươm.


1. Hồ Gươm là trung tâm của Thủ đô Hà Nội, xanh màu xanh lục thuỷ, vốn là tên gọi xưa của hồ. Trong lòng hồ Gươm có cụ Rùa - nhân chứng lịch sử của huyền thoại Hoàn Kiếm từ thế kỷ 15, đang ngày đêm canh giữ thanh thần kiếm của Đức Long Quân đã từng giúp vua Lê đánh đuổi quân xâm lược, giành độc lập cho đất nước.

Chưa ai thống kê được có bao nhiều bài văn, thơ, nhạc, hoạ, bao nhiêu bức ảnh, thước phim ghi lại hình ảnh hồ Gươm. Một hoạ sĩ Nhật Bản khoe với một hoạ sĩ Việt Nam rằng ông ta đã vẽ hàng chục bức hoạ về núi Phú Sĩ (ngọn núi nổi tiếng đẹp nhất Nhật Bản) và nhận được ngay câu trả lời của hoạ sĩ Việt Nam: “Tôi đã vẽ hàng trăm bức hoạ về hồ Gươm”.


2. Những ngày đầu hè, hồ Gươm lại trở nên trong xanh hơn bình thường. Dẫu đã có chủ định từ rất lâu, những mãi đến dịp này tôi mới có cơ hội “giành giật” được trọn vẹn một buổi chiều của PGS. TS Hà Đình Đức, khi ông vừa bước chân vào phòng làm việc của mình nằm trong khuôn viên đền Ngọc Sơn.

Say mê như lên đồng khi nói về cụ rùa hồ Gươm, ông kể: “Tôi học tập và giảng dạy tại khoa Sinh học trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (nay là trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội). Tôi nhớ rõ cái ngày hôm đó, ngày 15/3/1991, khi đang đi dạo bên hồ Gươm, lần đầu tiên tôi trông thấy rùa hồ Gươm bơi lượn trên mặt hồ.

Không hiểu đó có phải là một điềm báo trước không mà sau đó, Sở Văn hoá - Thông tin Hà Nội mời tôi tham gia dự án “Khai thác hồ Gươm và bảo vệ đàn rùa quý”. Thế là tôi bắt đầu “công trình” bảo vệ rùa hồ Gươm từ đấy”.

Đầu năm 1992, Sở Giao thông Công chính Hà Nội có “Luận chứng kinh tế kỹ thuật tôn tạo các công trình kỹ thuật giao thông đô thị khu vực hồ Gươm”, bao gồm: các công trình cảnh quan; làm sạch hồ; giao thông; kè bờ hồ; kè đảo đền Ngọc Sơn với tổng kinh phí hơn 44 tỉ đồng. Trong đó có phương án nạo vét hồ Gươm bằng cơ giới với quy mô lớn, đào 100.000m2 bùn đổ ra sông Hồng và bơm nước sông Hồng vào hồ Gươm.

Bức xúc trước những nguy cơ tổn hại hồ Gươm, ông Hà Đình Đức gửi tờ trình lên Chủ tịch hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) nêu rõ: “… Công việc này có thể làm xáo trộn môi trường đang sống yên ổn xưa nay của loài rùa quý và có nhiều khả năng đưa chúng tới chỗ diệt vong”. Ông đề xuất phải nạo vét bằng phương pháp thủ công để tránh xáo trộn môi trường sinh thái của hồ.

Ngay sau đó, Văn phòng Chính phủ đã có công văn gửi cơ quan chức năng TP Hà Nội yêu cầu chưa tiến hành nạo vét lòng hồ Hoàn Kiếm. Và hồ Gươm được tiến hành nạo vét bằng phương pháp thủ công.

Năm 1995, khi Bộ VH-TT ra quyết định công nhận di tích lịch sử đối với công trình tưởng niệm vua Lê Thái Tổ bên hồ Gươm. Chỉ sau đó một năm, Bộ VH-TT và Tổng Cục Du lịch có công văn trình Thủ tướng xin phép xây dựng toà nhà trên diện tích gần 800m2 ngay sát khu tưởng niệm vua Lê Thái Tổ. Lo ngại di tích lịch sử này sẽ bị ảnh hưởng, ông Hà Đình Đức cùng Hội Khoa học lịch sử lại “đội đơn” kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch nước.

Tháng 6/1996, Bộ VH-TT và Tổng Cục Du lịch phải huỷ bỏ dự án này. Năm 1998, khu di tích lịch sử vua Lê được tiến hành tôn tạo và khánh thành vào năm 2000, là một trong những công trình Chào mừng 990 năm Thăng Long - Hà Nội.


3. Ngay từ khi nghiên cứu rùa hồ Gươm đến nay, PGS. TS Hà Đình Đức đã phải “va chạm” với nhiều người, nhiều người bảo ông “mua dây buộc mình”. Nhưng “nói phải củ cải cũng nghe”, chính vì thế mà ông Đức chưa hề thất bại bất cứ điều gì trong chuyện đấu tranh cho hồ Gươm và rùa hồ Gươm.

Có những hội nghị mà chỉ có một mình ông Đức không đồng tình với ý kiến chung, phản đối kịch liệt, ai cũng ngỡ ông “thua”, thế mà ông lại “thắng”, lại bảo vệ được ý kiến của mình. Với “ông Đức rùa”, cho dù ai, dù ở đâu, cứ nói lơ mơ, nói sai về hồ Gươm và rùa hồ Gươm là ông mắng ngay.

Chưa bao giờ ông cảm thấy nao núng, mệt mỏi về công việc, về sự đấu tranh bảo vệ cảnh quan, loài rùa hồ Gươm. Tự thân ông thấy quá gắn bó với “sự nghiệp” này, không dứt ra được. Lúc nào trong đầu ông cũng thường trực những thông tin về hồ Gươm và rùa hồ Gươm.


4. Không ít người “tưởng bở” rằng làm nghiên cứu về rùa hồ Gươm, quốc tế quan tâm lắm, “rót” tiền về nhiều lắm. Mà mình ông Đức “một khoảng trời riêng” như vậy thì tiêu tiền vào đâu cho hết! Ấy là tưởng vậy thôi, đến nay, sau hơn 17 năm nghiên cứu về rùa hồ Gươm, PGS. TS Hà Đình Đức cũng mới chỉ là một nhà khoa học đủ ăn chứ chưa được gọi là giàu có.

Ngày ngày ông vẫn đi dạy học bằng chiếc xe Cup 82 cũ kỹ. Điều đáng trân trọng ở nhà khoa học này là kể cả khi không được cung cấp tiền và khi không có dự án, ông vẫn dốc tâm, dốc sức vào cái nghiệp của mình. Cuộc sống cứ xoay vần, thêm bớt nhưng một nhà khoa học như ông cứ cắm cúi, mải miết với cái nghiệp của mình, để trở thành “người có công bảo vệ 2 hồ (hồ Gươm và hồ Tây) cho Hà Nội” - như lời GS Vũ Khiêu từng nói.


Vũ Văn Tiến

Giáo sư Hà Đình Đức: Cần sớm công nhận hồ Gươm là di sản quốc gia

Nguồn: http://www.hanoimoi.com.vn/vn/53/158094/
01/02/2008 08:11


(HNM) - Đầu năm 1993 tôi đã đề nghị Chính phủ nên quy hoạch hồ Gươm thành di sản quốc gia, nếu có thể tiến tới đề nghị công nhận là di sản thế giới. Đến ngày 22-6-1993, Văn phòng Chính phủ có công văn trả lời, trong đó yêu cầu các cơ quan chức năng nghiên cứu và có phản hồi về việc này.



Nhưng đến nay vẫn chưa thấy có hồi âm. Bây giờ tôi vẫn thấy cần thiết phải nghiên cứu tập hợp tất cả những điều về hồ Gươm để khẳng định giá trị hồ Gươm, tiến tới công nhận đây là di sản quốc gia. Có như thế, chúng ta mới có thể bảo vệ và phát triển hồ Gươm, để hồ Gươm mãi mãi là biểu tượng vẻ đẹp của Thủ đô Hà Nội. Tôi đã làm tờ trình để gửi lên Thủ tướng Chính phủ với mong muốn thực hiện được điều này.



Tôi được biết từ năm 1996, hồ Gươm đã được quy hoạch với chiều cao vành đai sát hồ được phép xây dựng là 16m, vành đai thứ hai là 14m, cao nhất là vành đai phía ngoài cũng chỉ được 20m. Nhưng thực tế từ năm 1996 đến nay, có rất nhiều dự án xây dựng mới nhà cao tầng được thực hiện bên hồ Gươm mà chiều cao đã vượt ra ngoài quy hoạch trên rất nhiều. Đây là điều bất hợp lý và không thể chấp nhận được. Quy hoạch hồ Gươm của chúng ta đã không được tôn trọng và đã bị phá vỡ hoàn toàn, mới đây nếu dư luận không kịp thời ngăn chặn, lãnh đạo thành phố không can thiệp thì sẽ lại thêm một công trình cao tầng nữa mọc lên, chính là tòa nhà của EVN gây xôn xao dư luận. Tôi cho rằng, việc người ta tìm đủ mọi cách để có thể xây dựng những tòa nhà cao tầng ở gần hồ Gươm sẽ còn tiếp tục đe dọa cảnh quan của trái tim Hà Nội. Chính vì vậy tôi đề nghị thành phố cần sớm xem xét việc xây dựng cơ sở để có thể đề nghị công nhận hồ Gươm là di sản quốc gia, tiến tới đề nghị công nhận là di sản thế giới.



Vũ Lâm ghi

Về việc cá Hồ Gươm chết hàng loạt, PGS Hà Đình Đức: Do lượng oxy trong nước hồ quá thấp

Nguồn: http://www.sggp.org.vn/xahoi/2008/7/159876/
Thứ bảy, 26/07/2008, 00:32 (GMT+7)


Trong 3 ngày vừa qua, nhiều loại cá ở Hồ Gươm bỗng dưng chết hàng loạt, nhất là vào ngày 24-7. Hiện tượng này khiến nhiều người bày tỏ sự lo lắng về mức độ ô nhiễm của nước Hồ Gươm. Trước vấn đề này, PGS Hà Đình Đức, một người có nhiều năm nghiên cứu về Hồ Gươm đã có cuộc trao đổi với PV Báo Sài Gòn Giải Phóng.

- PV: Thưa PGS, ông có ý kiến gì trước hiện tượng cá Hồ Gươm chết hàng loạt trong những ngày vừa qua?

PGS HÀ ĐÌNH ĐỨC: Hiện tượng cá chết ở Hồ Gươm cũng thỉnh thoảng xuất hiện, đặc biệt vào năm 2000 do ảnh hưởng của một trận bão từ mạnh. Về hiện tượng cá chết nhiều trong 3 ngày qua, tôi đã tiến hành tìm hiểu và có thể nói rằng, không phải do nước Hồ Gươm quá ô nhiễm gây ra như nhiều người nghĩ. Theo tôi, nguyên nhân một phần là do thời tiết nóng, oi bức và hơn nữa là lượng oxy trong nước hồ quá thấp. Theo kết quả đo hàm lượng oxy và độ pH trong nước Hồ Gươm được Viện Công nghệ môi trường thực hiện vào sáng ngày 25-7 tại 5 điểm trên hồ cho thấy, có 4 điểm hàm lượng oxy trong nước chỉ đạt từ 0,8- 0,95 mg/l, độ pH từ 7,6-8,8, còn 1 điểm tại khu vực bến xe gần đền Ngọc Sơn có hàm lượng oxy là 1,72 mg/l và độ pH là 5,6.

Với kết quả này, nguyên nhân cá chết chính là do nước hồ quá thiếu oxy vì so sánh với tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5942 -1955, tiêu chuẩn chất lượng nước mặt đã chỉ rõ, đối với nước mặt dùng cho nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản thì hàm lượng oxy không được thấp hơn 2mg/l, độ pH phải đảm bảo từ 5,5-9.

- Với hàm lượng oxy trong nước Hồ Gươm thấp như vậy thì các “cụ rùa” có bị ảnh hưởng không, thưa PGS?

Theo tôi chưa có gì nguy hiểm đối với “cụ rùa” và các loài rùa khác vì theo nghiên cứu các loài rùa trong hồ có hệ hô hấp khá đặc biệt, chúng có thể nằm dưới cát hoặc trong bùn tới 95% số thời gian trong ngày.

- Có cách nào can thiệp để cải thiện hàm lượng oxy trong nước Hồ Gươm?

Mọi biện pháp can thiệp của con người vào nước Hồ Gươm có thể sẽ dẫn tới cả mặt tiêu cực. Nếu dùng hóa chất diệt tảo Hồ Gươm để cải thiện hàm lượng oxy sẽ làm ảnh hưởng tới nhiều loại thủy sinh, thủy sản khác trong hồ. Chính vì vậy hãy để thiên nhiên tự điều chỉnh. Và bằng chứng là sau những ngày nắng nóng, thì cả ngày hôm nay, Hà Nội đã có mưa rất to. Điều này đã khiến lượng nước và hàm lượng oxy trong hồ được nâng lên đáng kể và hiện tượng cá chết cũng đã giảm mạnh.

- Cảm ơn Phó giáo sư.


Theo Ban quản lý di tích Hồ Gươm, cho đến chiều 25-7, đã có khoảng 3 tạ cá chết ở Hồ Gươm được Công ty Môi trường đô thị vớt. Số cá chết là cá vàng, cá chép, rô phi và mè, chủ yếu là cá nhỏ và vừa. Tuy nhiên, sau khi Hà Nội có mưa to thì hiện tượng cá chết hàng loạt đã gần như không còn.
Q.Lập

Khánh Nguyễn

Giáo sư Hà Đình Đức: “Vua Lê đăng quang” xứng tầm lễ hội quốc gia

Nguồn: http://vietbao.vn/Van-hoa/Giao-su-Ha-Dinh-Duc-Vua-Le-dang-quang-xung-tam-le-hoi-quoc-gia/65090342/181/
Thứ sáu, 27 Tháng tư 2007, 10:28 GMT+7



GS Hà Đình Đức


- Mới đây, thành phố Hà Nội đã nhất trí với việc xây dựng một lễ hội đặc biệt gắn liền với Hồ Gươm và sự kiện hoàn gươm của Lê Lợi.


Đây là kết quả của gần 10 năm vận động không mệt mỏi của Giáo sư Hà Đình Đức, Hội Di sản Văn hoá Việt Nam, được mang tên “Lễ hội Vua Lê đăng quang”. Lễ hội được kỳ vọng là một lễ hội quốc gia tiến tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, tổ chức thường niên vào ngày 15/4 âm lịch. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với vị giáo sư đã 16 năm nghiên cứu về rùa Hồ Gươm xung quanh vấn đề này.

Giáo sư có thể cho biết là từ đâu ông có ý tưởng về một lễ hội tái hiện cảnh lên ngôi hoàng đế ở Hà Nội?

Xuất phát từ hai Chỉ thị, một là Chỉ thị số 32 của Bộ Chính trị về 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội do ông Phạm Thế Duyệt, Uỷ viên Bộ Chính trị ký ngày 4/5/1998, hai là Kế hoạch 30 của Thành uỷ Hà Nội ngày 19/5/1998 đều không nhắc tới Hồ Gươm. Chính vì thế, 1/8/1998 tôi đã viết thư lên đồng chí Lê Khả Phiêu (lúc đó là Tổng bí thư) trình bày về việc này và kiến nghị một số việc liên quan đến Hồ Gươm. Việc đầu tiên là tôn tạo khu tưởng niệm vua Lê, vì lúc ấy xung quanh còn rất hoang phế và đặc biệt là xây dựng một lễ hội quốc gia tại Hà Nội.

Thêm nữa là trong suốt chiều dài 1.000 năm Thăng Lòng – Hà Nội, chưa có bất cứ một lễ hội nào về việc lên ngôi hoàng đế của các vị vua trong lịch sử Việt Nam. Hồ Gươm là trung tâm của Hà Nội, đồng thời trong Hồ Gươm còn có cụ rùa gắn liền với truyền thuyết hoàn gươm tồn tại gần 600 năm nay, được coi như một trang sử sống để giáo dục từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nên sẽ rất thiếu sót khi xung quanh Hồ Gươm chỉ có những sinh hoạt văn hoá văn nghệ mà chưa có một hoạt động lịch sử nào.

Ông đánh giá thế nào về sự kiện vua Lê đăng quang trong lịch sử và đó có phải là lý do để ông quyết định chọn sự kiện này không?

Lê Lợi là vị vua trong lịch sử tay không dựng cờ khởi nghĩa rồi chiêu hiền đãi sĩ, xây dựng lực lượng, nằm gai nếm mật trường kỳ kháng chiến. Đó là vị vua lên ngôi rất đặc biệt trong lịch sử Việt Nam . Triều Lê kéo dài hơn 300 năm, tuy có lúc thịnh lúc suy, nhưng dấu ấn là rất lớn. Cái này có thể chứng minh qua đánh giá của Phan Bội Châu. Phan Bội Châu nói ở Việt Nam có hai ông Tổ Trung hưng, một là Ngô Quyền, hai là Lê Lợi. Ngô Quyền đã chấm dứt được thời kỳ Bắc thuộc còn Lê Lợi chấm dứt 20 năm Minh thuộc. Tuy nhiên, Lê Lợi không chỉ giải phóng được đất đai, đất nước mà ông còn giữ được văn hoá Việt Nam . Dưới thời Minh thuộc, dân Việt bị bức để tóc dài, ăn vận như người Ngô, văn tự bị đốt hết, văn bia bị đập, người trí thức thì bị đưa sang Tàu, tên nước thì bị đổi ... Mặt khác, năm 1977, nguyên Tổng bí thư Lê Duẩn có về thăm Thanh Hoá, trong bài phát biểu có viết là “nước ta thời Trần đánh giặc giỏi, nhưng lúc ấy có nước có quân, còn Lê Lợi đánh giặc chỉ có dân”, để thấy vai trò của Lê Lợi. Còn vào năm Bính Thìn, trong lá thư chúc Tết của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn gửi nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng có nói, Việt Nam thực sự có hai cuộc giải phóng: Năm 1418 – 1427 Lê Lợi và Nguyễn Trãi, 1945 – 1975, Bác Hồ và các anh. Lê Lợi có công rất lớn như vậy nên việc tổ chức lễ hội này cũng là việc làm tôn vinh người anh hùng giải phóng dân tộc và là một dấu ấn lịch sử cần được ghi nhận, giáo dục cho thế hệ mai sau.

Trước đây có khá nhiều dự án xây dựng bên Hồ Gươm, có nguy cơ phá hỏng cảnh quan khu vực này, Giáo sư có gặp khó khăn không trong quá trình đi vận động của mình?

Gần 10 năm ròng, tôi theo đuổi dự án này. Ngày 5/2/1996 ông Trần Hoàn và ông Đỗ Quang Trung nguyên là Bộ trưởng Bộ Văn hoá và Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch có viết công văn đề nghị Thủ tướng phá sân khấu, cái bệ ngồi ở phía đường nay là Cục văn hoá Thông tin cơ sở, làm nhà dịch vụ văn hoá và cho người nước ngoài thuê, với diện tích 762,7m2. Khi có thông tin đó thì ngày 15/3/1996 tôi viết thư lên Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Tôi cho rằng nếu làm nhà dịch vụ đó thì sẽ vi phạm pháp lệnh về bảo vệ di tích (lúc đó chưa có luật). Khu tưởng niệm vua Lê được công nhận là di sản văn hoá từ Quyết định số 65 ngày 25/1/1995 đến tháng 2/1996. Ngày 18/3, tôi lại viết thư lên Chủ tịch nước Lê Đức Anh. Sau đó tôi nói với ông Dương Trung Quốc và ông đã làm công văn cho hội khoa học lịch sử ngày 25/3/1996 gửi lên Chính phủ. Ngày 14/6, Thứ trưởng Lê Trần Tiêu ký một công văn quyết định không thực hiện dự án này nữa nên bây giờ mới có khu tưởng niệm vua Lê khang trang.

Đến năm 1998, tôi đề xuất xây dựng lễ hội vua Lê đăng quang và một loạt những đề xuất khác xung quanh Hồ Gươm. Ngày 3/4/2006, tôi đưa ra tám kiến nghị xung quanh Hồ Gươm và gặp trực tiếp Phó chủ tịch Lê Thị Thanh Hằng. Vừa qua tại Quyết định số 4249/QQĐ-UBND về việc phân bổ kinh phí chương trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, thành phố chính thức cấp kinh phí cho hạng mục “Xây dựng lễ hội vua Lê đăng quang” với kinh phí 70 triệu đồng và giao cho UBND Quận tiến hành. Năm nay sẽ làm ở mức độ vừa phải, quận đứng ra tổ chức một lễ dâng hương và có thể có đội tế ở ngay khu tượng đài lê Lợi. Còn tiếp theo, tôi nghĩ là sang năm đúng dịp kỷ niệm 580 năm ngày vua Lê đăng quang thì sẽ có một lễ hội hoành tráng, có cả sự tham gia của thành phố và Bộ Văn hoá Thông tin.

Theo Giáo sư thì lễ hội “vua Lê đăng quang” sẽ bao gồm những gì và liệu có yếu tố “hiện đại” để hấp dẫn công chúng không?


Nội dung còn phải bàn cụ thể, nhưng chắc chắn sẽ phải mời các chuyên gia về văn hoá, lịch sử về xây dựng kịch bản. Theo tôi nó phải gồm hai phần: phần Lễ và phần Hội. Trong phần Lễ, phải có diễn văn để tôn vinh công trạng của vua Lê, sau đó là phần gợi về sự kiện lên ngôi trong di tích thành cổ và rồi dâng hương ở khu tưởng niệm. Phần Hội là phần tái hiện cảnh sinh hoạt văn hoá thời vua Lê. Cái này có thể tham khảo một phần về ngày lễ hội vua Lê trong Thanh hoá, 22/8 âm lịch. Phần hiện đại hay không thì sẽ có một hội đồng, trước khi tiến hành lễ hội quốc gia thì phải có một cuộc hội thảo về Lê Lợi và khởi nghĩa Lam sơn. Trong đó nói đến công lao của Lê Lợi, diễn biến sự kiện hội thề Đông quan và cuối cùng là diễn biến sự kiện lên ngôi của Lê Lợi, mở màn cho việc làm lễ hội này. Đây là một dấu ấn rất tốt cho Hà Nội trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Hiện nay, có ý kiến nói là có quá ít tư liệu về sự kiện vua Lê đăng quang, nhưng tôi có trao đổi với nhiều giáo sư về lĩnh vực này. Họ nói là nếu lễ hội được chấp nhận thì họ sẵn sàng viết kịch bản cho lễ hội. Đây là những giáo sư am tường về lịch sử và văn hoá Việt Nam nên chắc chắn sẽ có nhiều ý tưởng hay.

Như vậy, lễ hội “vua Lê đăng quang” xứng tầm và sẽ là một lễ hội quốc gia?

Tôi nghĩ nó quá xứng tầm là một lễ hội quốc gia. Một điều lạ là sau Cách mạng Tháng Tám, Thị trưởng Trần Văn Lai đã đổi tên phố Hà Nội từ tên Pháp sang tên Việt và khu vực Hồ Gươm gần như đều liên quan đến thời kỳ Vua Lê. Còn gì tuyệt vời hơn thế.

Xin cảm ơn Giáo sư!


Tiến Cầu
Việt Báo (Theo_VnMedia)

“Giáo sư rùa” Hà Đình Đức

Nguồn: http://www.nld.com.vn/tintuc/van-hoa/nguoi-cua-cong-chung/93098.asp
28-10-2003 09:51:35 GMT +7


Ăn cũng nghĩ đến rùa, ngủ cũng mơ thấy rùa, đã nhiều lần vác đơn đi gõ cửa kêu cứu giúp rùa hồ Gươm... Đấy chính là giáo sư Hà Đình Đức, hiện đang công tác tại ĐH Quốc gia Hà Nội

Thuyết phục: Giáo sư Hà Đình Đức sau hơn 1 thập kỷ nghiên cứu về rùa hồ Gươm để chứng minh và thuyết phục các nhà khoa học tin rằng đấy là một loài rùa mới, có con tuổi đã lên đến 700. Vị giáo sư này đã “tranh đấu” để cho cụ rùa hồ Gươm có một cái tên khoa học là Rùa Lê Lợi (Rafetus leloi).

Ít người nào biết rõ về “cụ” rùa hồ Gươm như giáo sư Hà Đình Đức. Hơn 11 năm “theo đuổi” rùa hồ Gươm, ông có đến mấy trăm bức ảnh, mấy trăm băng ghi hình “cụ” rùa. Nghiên cứu động vật trong môi trường của nó như thế đã là kỹ lắm, có cảm giác như ông biết rõ từng cơn “nóng lạnh”, hắt hơi sổ mũi của cụ rùa hồ Gươm. Bấy nhiêu năm, ngày nắng cũng như ngày mưa, cứ cụ rùa nổi là ông Đức có mặt bên bờ hồ. Đến mức dân hồ Gươm quá quen mặt ông, gọi ông bằng cái biệt danh đơn giản, dễ nhớ: “Giáo sư rùa”.

Danh hiệu “Giáo sư rùa”


Có lần, nhà báo Xuân Ba, đồng hương Thanh Hóa của ông, đùa: “Ông Đức chẳng phải là giáo sư rùa mà nghề chính là cầm muôi đi theo đít mấy con linh trưởng”. Nghe mách lại, giáo sư chỉ cười: “Cậu ấy yêu nên mới đùa thế!”. Thực ra, nghề chính của ông không phải là nghiên cứu về rùa. Năm 1959, ông là lứa sinh viên đầu tiên của Khoa Sinh vật, ĐH Tổng hợp Hà Nội (nay là ĐH Khoa học Tự nhiên thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội). Công trình khoa học đầu tiên của cậu cựu học trò trường cấp ba Lam Sơn (Thanh Hóa) là nghiên cứu về các loài chim ở nội thành Hà Nội, do giáo sư Võ Quý hướng dẫn. Năm 1962, giáo sư Quý đi Liên Xô (cũ) làm nghiên cứu sinh, ông chuyển sang nghiên cứu về thú với giáo sư Đào Văn Tiến. Tốt nghiệp, ông được giữ lại làm giảng viên Khoa Sinh vật. Mấy chục năm trời, vừa giảng dạy vừa nghiên cứu, “Giáo sư rùa” có hàng chục công trình khoa học về động vật hoang dã.

Danh hiệu “Giáo sư rùa” đến với ông một cách tình cờ. Năm 1991, Công ty Dịch vụ Khai thác và Sử dụng di tích Hà Nội (COEMO) thuộc Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội mời ông và giáo sư Võ Quý tham gia dự án “khai thác hồ Gươm, bảo vệ đàn rùa quý”. Do bận nhiều việc, giáo sư Võ Quý không tham gia được. Sau đó, COEMO cũng chỉ hoạt động phập phù rồi giải tán lúc nào chẳng nhớ. Chỉ còn một mình, ông bắt đầu nghiên cứu và gắn chặt số phận với cụ rùa hồ Gươm.

Theo nghiên cứu của giáo sư Hà Đình Đức, cụ rùa hồ Gươm ước đã 700 tuổi, nặng chừng hai tạ. Những thuộc tính của cụ rùa, giờ ông đã thuộc như chính người thân của mình. Mà thân thật chứ còn như gì nữa! Không cần sổ sách, ông có thể thống kê cụ thể: Bắt đầu từ năm 1991, “cụ” nổi 4 lần, năm 1992..., năm 2000 “cụ” lên 14 lần..., năm 2002 chính xác là 20 lần, từ đầu năm 2003 đến giờ khoảng 15 lần. Cả thảy là 142 lần.

Đội đơn đi kiện cho rùa.- Nhiều lần giáo sư Đức đùng đùng “vác đơn kêu cứu cho cụ rùa. Cụ rùa đang ốm! Hãy cứu cụ! Người có trách nhiệm ngạc nhiên nhìn ông và lắc đầu, họ bảo ông mắc “hội chứng rùa”. Người khác lại bảo: Sứt mai vớ vẩn, chẳng ảnh hưởng gì cả. Không ngờ, mấy hôm sau cụ rùa nổi lên, cổ lằn vết đỏ như bị vết dao chém. Mấy năm trước, ngành giao thông công chính Hà Nội “trót” thả hoa súng vào hồ Gươm, ông đội đơn đến khắp các cửa phản đối bằng được. Nghe tin người ta định nạo vét hồ, ông cũng đi kiện... Bất cứ việc gì có nguy cơ ảnh hưởng đến cuộc sống của “cụ” rùa, ông đều có đơn từ phản đối. Ông có phải là người “rách việc” không? Không ít người bảo có. Khi xây dựng tòa nhà “hàm cá mập” hay dự án xây dựng nhà vệ sinh công cộng ngầm ven hồ, ông đều làm đơn phản đối vì hai công trình này làm ảnh hưởng đến mỹ quan khu vực. Đến nỗi, trong một cuộc họp liên quan đến cải tạo hồ Gươm, có vị lãnh đạo đầu ngành một đơn vị cấp sở phải dặn đi dặn lại: “Cẩn thận không lại đụng đến ông Đức rùa nhé!”. Những lo lắng cho cuộc sống của “cụ” rùa đã ám ảnh giáo sư Đức triền miên. Đến nỗi, có lúc lơ mơ ốm nằm nhà, ông cũng chiêm bao thấy “cụ”. Con trai ông đã đặt tên cho hội chứng ấy là “hội chứng rùa”.

Lần tìm nơi chôn nhau, cắt rốn

Đáng lưu ý là tất cả các hồ, đầm ở Hà Nội bây giờ, ngay cả hồ Tây, vốn có chung nguồn gốc hoặc bắt nguồn từ đoạn sông Cái có cùng với hồ Gươm, cũng như sử sách chưa bao giờ thấy xuất hiện một loài rùa lớn nào. “Rùa hồ Gươm có thể là những cá thể còn sót lại của một quần thể rùa từ hệ thống sông. Nhưng ngày nay, loài rùa mai mềm này chỉ có ở hồ Gươm mà không có ở bất kỳ sông hồ nào ở Hà Nội. Rất có thể, rùa được đưa từ nơi khác tới”, giáo sư Đức nhận xét. Mấy năm gần đây, vị giáo sư này bắt đầu để tâm đến việc đi tìm quê hương bản quán của cụ rùa hồ Gươm. Ông lo ngại về một ngày nào đó, không xa, nói gở nhỡ cụ “về cõi ngàn năm”. Năm 1997, lần đầu tiên nghe tin ở Quảng Phú (Quảng Xương, Thanh Hóa), có giống rùa mai mềm khá to, thế là lẳng lặng, Giáo sư rùa vác ba lô ngược về vùng lòng hồ này. Điểm đến là hồ Sen, khu đầm hồ nối liền nhau, rộng năm sáu trăm hecta, kéo dài gần sáu cây số thuộc xã miền núi Quảng Phú. Nơi đây, trước kia là vùng “Lam Sơn chướng khí”, một phần của con sông cổ Cầu Chày, cách Lam Kinh, nơi khởi nghiệp của vua Lê Lợi chừng 10 km.

Tương truyền, khi Lê Lợi chạy giặc ở Lam Kinh, thì chính loài rùa này đi sau xóa dấu vết. Và rùa thần, qua gia tướng của Lê Lợi là Nguyễn Thận đã cho ông mượn gươm báu đánh giặc. Về sau, khi lên ngôi, trên hồ Lục Thủy, nhà vua đã trả lại gươm báu cho thần rùa, rồi đổi tên hồ thành Hoàn Kiếm, một truyền thuyết mà không người dân Việt Nam nào không biết. “Phải chăng khi lên ngôi, vua Thái Tổ đã cho đem rùa từ vùng khác đến thả ở hồ Lục Thủy?”, giáo sư Đức nói về giả thuyết của ông.

Cụ rùa hồ Gươm “đồng hương” với GS Đức

Trên vùng đất của vua Lê, có rất nhiều truyền thuyết, những câu chuyện hư thực về rùa. Trong một số sách cổ đã từng nói về câu chuyện ở vùng Lam Kinh xưa có loài rùa to bằng chiếc chiếu đôi, to đến nỗi ba người đến trú mưa dưới mai của nó mà không ướt. Chuyện rằng, khi con rùa này nổi lên bờ đẻ trứng, người dân cột hai chân sau nó vào hai con trâu mộng, ấy thế mà nó vẫn lôi tuột xuống hồ. Những câu chuyện thực hư ngày hôm qua dần đi vào quỹ đạo của sự thật. Tháng 11-2001, giáo sư Đức nhận được cú điện thoại của một cán bộ Liên hiệp Hội Khoa học Kỹ thuật Thanh Hóa thông báo người dân vùng lòng hồ vừa bắt được một con rùa nặng chừng 150 kg. Thỉnh thoảng, người dân ven hồ vẫn nhặt được trứng rùa. Về Thọ Xuân, những câu chuyện mới xuất hiện về loài rùa mai mềm vùng hồ Sen ngày một hiển hiện. Kết hợp giữa truyền thuyết và những cơ sở khoa học thu thập được, giáo sư Đức đã đặt ra giả thuyết cụ rùa hồ Gươm có thể xuất phát từ vùng hồ Sen, Thọ Xuân, Thanh Hóa.

Cũng có thể đặt ra nhận định, “cụ” rùa hồ Gươm là “đồng hương” Thanh Hóa với “giáo sư rùa”. Giả thiết của giáo sư Hà Đình Đức về quê hương của cụ rùa hồ Gươm, đương nhiên còn phải cần nhiều cứ liệu khoa học để chứng minh. Tuy nhiên những công trình nghiên cứu toàn tâm toàn ý của “giáo sư rùa” thật đáng trân trọng.

Phương Anh

Chuyện quanh một tấm thẻ cử tri năm 1945

Nguồn: http://www.tin247.com/chuyen_quanh_mot_tam_the_cu_tri_nam_1945-1-150103.html
Cập nhật: 12/05/2007 - 04:01 - Nguồn: TienPhong.vn



Thẻ cử tri của cụ Hà Đình Đạc (năm 1945)


Thẻ cử tri của ông Hà Đình Đức (năm 2002)


Tấm thẻ cử tri năm 1945 hiện đang nằm trong tay PGS - TS Hà Đình Đức. Nó có 62 năm tuổi nên vàng xuộm loang lổ vết ố, nhưng những dòng chữ đánh máy lẫn viết tay trên đó vẫn còn đọc được.

Chuyện quanh một tấm thẻ cử tri năm 1945
Tấm thẻ cử tri của cụ Hà Đình Đạc (năm 1945)
Xứ Thanh có hai ông Đức. Nhà nghiên cứu văn học, cán bộ giảng dạy lâu năm, GS Hà Minh Đức và PGS-TS Hà Đình Đức, giảng viên khoa Sinh học Trường ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội.

Cả hai ông đều nổi tiếng như nhau về các công trình nghiên cứu trong địa hạt của mình. Riêng PGS-TS Hà Đình Đức còn có một biệt danh khác là Đức Rùa. Chả là ông tiến sĩ này có nhiều công trình nghiên cứu đặc biệt về Rùa Hồ Gươm.

Có lẽ ông là người Việt Nam duy nhất được chứng kiến gần 300 lần rùa Hồ Gươm nổi cũng như đã dùng tới (thời ông chưa có máy ảnh kỹ thuật số) 553 cuộn phim để chụp riêng Rùa Hồ Gươm phục vụ cho nghiên cứu!

Đận này ông gặp tôi không phải là một cái tin hay thông số mới nhất về Rùa Hồ Gươm mà trong tay ông là một mảnh giấy nhỏ đã xuộm màu thời gian. Tôi đón lấy. Một tấm thẻ cử tri năm 1945!

Chuyện của ông Đức đưa tôi về quê ông ở huyện lỵ Thọ Xuân. Cụ thân sinh ông Đức là Hà Đình Đạc sinh năm 1892. Làng bán nông bán thương. Nếu cứ mải miết buôn bán biết đâu cơ sự sẽ khác sẽ khá nhưng cụ Đạc sau một thời gian làm đại lý cho Cty Hoa Kiều thu mua ngô lúa lại lui về làng cày sâu cuốc bẫm.

Cách mạng Tháng Tám mang đến cho làng Vực Thượng một sinh khí mới. Ông Đạc vô du kích tham gia dân quân tự vệ. Và vào một ngày cuối năm trong khí thế tưng bừng chuẩn bị cho Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của chế độ mới, như mọi lương dân khác trong làng, ông Hà Đình Đạc nhận được một tấm thẻ cử tri.

Tấm thẻ hiện đang nằm trong tay PGS - TS Hà Đình Đức. Nó có 62 năm tuổi nên vàng xuộm loang lổ vết ố, nhưng những dòng chữ đánh máy lẫn viết tay trên đó vẫn còn đọc được.

Việt Nam- Dân chủ- Cộng hòa/ Trung kỳ Thanh Hóa/ Số 57 (1)/ Tổng tuyển cử ngày 28 tháng 12 năm 1945 để bầu đại- biểu Quốc- dân Đại- Hội/ Huyện hay thị- xã: Thọ Xuân/ Làng hay khu phố: Vực Thượng/ Tên người đi bầu: Hà Đình Đạc/ Tuổi 54 Đàn ông đàn bà: Đàn ông/ Nghề nghiệp Làm ruộng/ Ngày 28 tháng 12 năm 1945/ Uỷ ban Nhân Dân huyện Thọ Xuân / Đóng dấu và ký tên (Chỉ có chữ ký không có tên).

Con số (1) được chú Đây là số thứ tự trong danh sách cử tri. Phía dưới là hai con dấu tròn bằng mực đen. Không phải triện son như bây giờ cơ quan công quyền vẫn thường dùng. Góc bên trái là dấu của Ủy ban bầu cử. Phía phải là dấu của Ủy ban nhân dân. Góc bên trái đã cắt một góc, minh chứng việc thân sinh ông Hà Đình Đức đã đi bầu cử. Góc bên phải có dòng chữ in chéo: Lần đi bầu thứ hai.

Tưởng ông Đức chỉ thạo giỏi khoản cụ Rùa. Hóa ra ông còn rành thạo nhiều thứ khác trong đó có sử! Giải thích đại để cho tôi tấm thẻ này ghi năm 1945 nhưng sang năm 1946 mới đi bầu Quốc hội.

Ngày 8/9/1945, một tuần lễ sau ngày Việt Nam tuyên bố Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 14 triệu tập Quốc dân Đại hội và quy định những nét lớn về tổ chức bầu cử và ấn định ngày tổng tuyển cử là ngày 23/12/1945.

Sau đó để công việc chuẩn bị được chu đáo hơn, Hội đồng Chính phủ đã quyết định hoãn cuộc Tổng tuyển cử lại ít ngày, chính thức ấn định ngày 6/1/1946, toàn thể quốc dân đồng bào đi bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Chuyện quanh một tấm thẻ cử tri năm 1945
... và của ông Hà Đình Đức (năm 2002)
Nhà khoa học này còn một tâm sự, nói đúng hơn băn khoăn khi ông đưa tiếp ra một tấm thẻ cử tri của chính ông trong lần bầu cử mới đây, bầu Quốc hội khóa XI. Ông phàn nàn là co hàng chữ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam/ Độc lập tự do hạnh phúc không biết vì lý do gì lại in mảnh hơn dòng chữ Thành phố Hà Nội được in đậm! Mảnh hơn cả dòng chữ trên cùng Mẫu số 5/BCĐBQHXI. Mà nữa, dòng này tại sao lại đặt cao hơn quốc hiệu?!

Ông Đức cho rằng ngày xưa (thực ra mới 60 năm) các cụ ta cẩn thận hơn bây giờ nhiều (?) bởi tấm thẻ cử tri của thân sinh ông, lượng thông tin phong phú hơn, cụ thể hơn, khoa học hơn! Cứ đối chiếu so sánh hai tấm thẻ của hai thời thì khắc thấy!

Thêm nữa, nội cái việc đề phòng những trục trặc vẫn thường xảy ra trong quá trình bầu cử, chả hạn như có đơn vị bầu cử, có nơi phải bầu lại, các cụ ta đã dự phòng một dòng ở góc phải lần bầu cử thứ hai , thay vì bây giờ nếu có trục trặc chi đó lại phải tốn bao nhiêu giấy má để in thêm thẻ cử tri?! Rồi ông dùng kính lúp chỉ cho tôi hàng chữ cuối cùng trong tấm thẻ cử tri năm 1945 Cử tri giữ tấm thẻ này sau ngày bầu cử có thể dùng lại.

Nghe chuyện ông Đức, tôi chợt nghĩ đến con số đâu như lần bầu cử QH XII sắp tới, tổng chi phí cỡ 350 tỷ đồng. Chắc mọi việc lớn nhỏ đã được trù liệu? Có thể nhà khoa học này lo hơi bị xa?

Tôi cũng tò mò thêm rằng làm sao mà ông giữ được tấm thẻ đã có 62 năm tuổi này? Nhà khoa học cười : Ông sinh thứ tư, là con trai duy nhất trong sáu người con. Cụ Hà Đình Đạc mất năm 1958, thọ 66 tuổi. Trước khi mất, có lẽ cụ đã tiên liệu mọi thứ sau này trong đó có việc giao cho ông con trai duy nhất việc giữ gìn bảo quản tấm thẻ cử tri, vật chứng dân chủ đầu tiên mà cụ được hưởng của chế độ mới, khi đó ông tiến sĩ sau này mới có 5 tuổi!

Ông Đức cho tôi biết, ngoài thẻ cử tri, tấm chứng minh thư ra, ông còn được cụ thân sinh trao cho giữ những giấy biên nhận của chính quyền số tài sản gia đình ông đã đóng góp trong Tuần lễ vàng, giấy biên nhận, thứ viết tay, thứ đánh máy gia đình ông Hà Đình Đạc ủng hộ Quỹ Thương Binh, mua công trái kháng chiến...

Cụ Đạc đã gặp may khi những thứ gia bảo ấy qua bao biến động đổi thay và cả tao loạn nữa, nay đang còn cả. Ông Đức cho biết, sắp tới ông sẽ hiến tặng tấm thẻ cử tri này cho Bảo tàng Cách mạng Việt Nam!

Xuân Ba

Phát hiện thêm một cá thể rùa Hồ Gươm?

Nguồn: http://www.tin247.com/phat_hien_them_mot_ca_the_rua_ho_guom-12-11309.html
Cập nhật: 25/04/2008 - 01:40 - Nguồn: ThanhNien.com.vn


Một số nhà khoa học công bố đã phát hiện thêm 1 cá thể rùa Hồ Gươm ở miền Bắc Việt Nam. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu về rùa hàng đầu của Việt Nam - GS Hà Đình Đức lại bày tỏ sự nghi ngờ về thông tin này.

Những ngày qua, các hãng thông tấn lớn trên thế giới đồng loạt đưa tin về sự kiện các nhà nghiên cứu thuộc Vườn thú Cleveland Metroparks (Hoa Kỳ) đã phát hiện 1 cá thể rùa có tên khoa học là Rafetus Swinhoe (một loài rùa mai mềm cỡ lớn), còn có tên gọi khác là rùa Hồ Gươm tại miền Bắc Việt Nam. Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Xuân Thuận - điều phối viên Chương trình rùa Việt Nam của Chương trình rùa châu Á (thuộc Vườn thú Cleveland) cho biết: "Chúng tôi bắt đầu nghiên cứu về rùa Hồ Gươm từ năm 2003 và tiến hành nhiều cuộc phỏng vấn dọc theo vùng phân bố của loài rùa này. Tháng 8.2006, chúng tôi đã tổ chức một cuộc phỏng vấn mở rộng tại các tỉnh dọc theo sông Hồng, từ Lào Cai xuống Hà Tây và thu được một số thông tin cho thấy, vẫn còn loài rùa mai mềm cỡ lớn kích thước lên tới hàng tạ sinh sống và sau đó xác định được vùng nhiều khả năng loài rùa này đang sinh sống". Đầu 2007, Chương trình rùa châu Á cử một nhóm nghiên cứu, dẫn đầu là ông Nguyễn Xuân Thuận về khu vực này để tìm hiểu sâu hơn và đã phát hiện được 1 cá thể rùa Hồ Gươm còn sống. "Chúng tôi phát hiện cá thể rùa này lần đầu tiên vào tháng 3.2007 nhưng mãi tới tháng 6.2007 mới chụp được ảnh. Qua phân loại, các chuyên gia về rùa đã xác nhận, đây chính là rùa Hồ Gươm. Sau đó, tiến sĩ Peter Prichard, một trong những chuyên gia đầu ngành về rùa trên thế giới, xác nhận đây chính là rùa Hồ Gươm" - ông Nguyễn Xuân Thuận kể lại.

Về kích thước của cá thể rùa này, ông Nguyễn Xuân Thuận khẳng định: "Chúng tôi chưa đo đếm được nhưng qua mắt thường có thể ước đoán nó dài 50 - 60 cm và theo người dân địa phương thì với kích thước như vậy, rùa có thể nặng 80 - 90 kg". Theo ông Nguyễn Xuân Thuận, tính cả cá thể rùa mới phát hiện, trên thế giới hiện chỉ còn 4 cá thể rùa này, trong đó 2 con ở Trung Quốc, 2 con ở Việt Nam (1 con ở Hồ Gươm) (?).

Trao đổi với Thanh Niên, GS Hà Đình Đức - chuyên gia hàng đầu của Việt Nam về rùa Hồ Gươm, người đã có thâm niên 20 năm nghiên cứu về rùa cho rằng, nếu đúng là đã phát hiện thêm 1 cá thể rùa Hồ Gươm tại miền Bắc nước ta thì đây là một sự kiện có giá trị bảo tồn và giá trị văn hóa sâu sắc. Tuy nhiên, về tính xác thực của thông tin này thì cần phải xem xét lại, dựa trên những dữ liệu khoa học cụ thể như thẩm định ảnh chụp, và sự xuất hiện trên thực tế của cá thể rùa này. GS Hà Đình Đức nhấn mạnh: "Việc công bố thông tin này là quyền của họ, chúng ta không có quyền ngăn cấm. Sự kiện họ công bố liên quan đến rùa Hồ Gươm nên thế giới mới quan tâm nhiều đến như vậy. Theo tôi, chưa đủ cơ sở khoa học để công bố phát hiện thêm 1 cá thể rùa Hồ Gươm. Họ căn cứ vào đâu để khẳng định là cá thể rùa đó giống rùa Hồ Gươm? Để đi đến kết luận này, theo tôi cần phải có mẫu rùa đối chứng. Nếu là mẫu rùa nhồi thì so sánh với rùa nhồi ở đền Ngọc Sơn. Trong trường hợp rùa sống thì đối chứng với rùa dưới Hồ Gươm. Họ mới chỉ trông thoáng qua hoặc chụp một vài tấm ảnh giống như các tấm ảnh thông thường về rùa Hồ Gươm thì chẳng có cơ sở gì lắm. Còn để tìm câu trả lời chính xác nhất trong chuyện này, người ta phải tiến hành phân tích DNA để tìm ra dòng giống của cá thể rùa này". GS Hà Đình Đức cũng cho rằng, thông tin hiện trên thế giới đang tồn tại 4 cá thể rùa Hồ Gươm là chưa có căn cứ thuyết phục.

GS Hà Đình Đức cho biết thêm, thời gian trước, ông có được mời tham gia vào một chương trình nghiên cứu về rùa Hồ Gươm do trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp tổ chức nhưng sau đó họ cứ tiến hành đi thực tế mà không hề mời ông đi cùng. Qua internet, GS Hà Đình Đức biết được người ta đã đăng tải một số tấm ảnh cho rằng đó là ảnh chụp cá thể rùa mới được phát hiện. Tuy nhiên, GS Hà Đình Đức khẳng định, trong số các bức ảnh đó có bức ảnh chụp một chiếc đầu rùa nổi lên mặt nước là của một Việt kiều ở Đức có tên là Trần Hải Nam chụp. Cha đẻ của anh Trần Hải Nam sau đó đã tặng lại tấm ảnh này cho GS Hà Đình Đức. GS Hà Đình Đức đã đưa tấm ảnh này cho một nhân viên của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) tên là V.A.

Như vậy, để tìm ra câu trả lời chính xác nhất cho câu hỏi cá thể rùa mới phát hiện có phải là rùa Hồ Gươm hay không, các nhà khoa học và cơ quan quản lý Việt Nam cần nhanh chóng vào cuộc xác minh một cách nghiêm túc, tuân thủ các nguyên tắc nghiên cứu khoa học.

Quang Duẩn